Được xuất bản lần đầu ở Nhật Bản năm 1987, Rừng Na Uy thực sự là một hiện tượng kỳ lạ với 4 triệu bản sách được bán ra, và theo thống kê hiện tại, cứ 7 người Nhật thì có 1 người đã đọc Rừng Na Uy.
Tại Trung Quốc, Rừng Na Uy đã trở thành một hiện tượng văn hoá với hơn 1 triệu bản sách được tiêu thụ và được đánh giá là 1 trong 10 cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất ở đại lục trong thế kỷ 20. Theo tờ Publisher Weekly, “đã hai mươi năm nay, Rừng Na Uy luôn nằm trong danh sách 10 tiểu thuyết được giới trẻ Nhật Bản và Hàn Quốc tìm đọc nhiều nhất”.
Cùng thoát thai từ nỗi buồn thương trong sáng về tồn tại, Rừng Na Uy, bài hát năm nào của Beatles, đã được lấy làm tên gọi cho cuốn tiểu thuyết tình yêu ngọt ngào và u sầu của Haruki Murakami. Bước vào cõi sống của Rừng Na Uy, qua sự sớm cô đơn như định mệnh của những người trẻ tuổi, qua mối tình tay ba vừa quấn quýt xác thân vừa u mặc sầu bi của Naoko-Toru-Midori, người ta cảm thấy ngỡ ngàng trước tình yêu như là nơi trú ngụ duy nhất của người đàn ông và người đàn bà trên thế gian này, và khám phá ra một nỗi buồn mênh mang, trống vắng rất Nhật Bản của thời hiện đại.
Tác giả Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Tokyo. Sau Rừng Na Uy, ông đã trở thành một thần tượng văn hóa đại chúng ở Nhật, đến nay ông đã xây dựng nên một sự nghiệp văn học phong phú với những kiệt tác chinh phục cả công chúng Nhật lẫn phương Tây như Biên niên ký chim vặn dây cót, Xứ sở kỳ diệu vô tình và chỗ tận cùng thế giới, Cuộc săn cừu, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời… Murakami được coi là nhà văn tầm cỡ thế giới, đồng thời cũng là tác gia quan trọng nhất, được đọc nhiều nhất của Nhật Bản sau Kenzaburo Oe.
EmoticonEmoticon