Tâm
sự cùng trình dược viên-Chuyện đời, chuyện nghề
Dòng
đời xuôi ngược, thời gian qua nhanh, chẳng mấy chốc đã 5 năm kể từ
lần đầu tiên tôi xuất hiện trước công chúng dưới cái mác Trình dược
viên (TDV). Phải nói rằng, chính công việc của một TDV mà chúng ta có
thể gọi là nghề TDV đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều trong cuộc
sống đầy bon chen, xô bồ hỗn loạn.
Quay
ngược về quá khứ, ngày…tháng…năm…, tôi bồi hồi xúc động nhớ lại
mình nước mắt tràn đầy khi nhận được Giấy báo trúng tuyển kỳ thi
đại học của Trường đại học Dược Hà Nội. Mặc dù điều này không làm
tôi quá ngạc nhiên vì tôi luôn tin tưởng vào kiến thức và khả năng
của mình, dẫu vậy tôi vẫn cảm thấy trong người một niềm vui bất tận
khôn tả. Gia đình tôi vui, bạn bè chúc mừng tôi và thế là tôi biết
rằng từ đây mình bắt đầu một hành trang mới cho một cuộc sống mới
xa gia đình, xa những người bạn thuở hàn thuyên. Tôi rất hào hứng với
cuộc sống mới này.
Quả
thực cuộc sống xa nhà nơi đô thành giá cả đắt đỏ thực sự là một
thử thách quá lớn đối với một thằng sinh viên nghèo chân ướt chân
ráo lần đầu tiên biết thế nào là thủ đô Hà Nội, thế nào là cổng
trường đại học. Ngày ấy tôi trọ học trong khu ký túc xá (KTX) của
trường ĐH Dược Hà Nội cùng với nhiều người bạn khác trong lớp. Quả
thực cho đến giờ ký ức trong tôi vẫn tràn đầy những kỷ niệm vui buồn
một thuở trốn học đường ấy. Cuộc sống thiếu thốn vô cùng, và cái
thiếu thốn nhất chính là…nước sinh hoạt. Mỗi ngày chúng tôi được ban
quản lý KTX bơm nước cho 2 lần, một lần vào 6h buổi sáng sớm và một
lần nữa vào lúc 5h chiều, vô phúc cho thằng nào đến phiên trực nhật
mà không kịp mở vòi nước cho cả phòng thì ngày đó no đòn của cả
phòng, bởi vì sau đó chúng tôi chỉ còn giải pháp khả dĩ duy nhất
là chịu khó chờ đêm xuống lẻn xuống vòi nước dưới sân KTX mà tắm
giặt, nơi ban ngày các bạn sinh viên nữ thường tụ tập giặt quần áo
hoặc gội đầu và độc chiếm vòi nước ấy luôn. Cuộc sống thiếu thốn
vậy lại là một điều kiện tốt cho chúng tôi rèn luyện ý chí bản
thân. Khu giảng đường KTX lúc nào cũng ngợp bóng sinh viên đang chăm
chú ngồi học kể từ lúc mở cửa 6h sáng cho tới tận 23h khuya. Ngày
ấy cả xã hội nhìn vào tấm gương hiếu học của sinh viên ngành Y Dược
mà thán phục, chả thế mà người ta đồn nhau “Nhất Y nhì Dược” không
chỉ vì ngành học đó về sau ra trường dễ xin được việc làm hơn. Suốt
5 năm học ở trường ĐH, lúc nào đầu óc chúng tôi cũng có cảm giác
sắp nổ tung bất cứ lúc nào, lượng kiến thức quá nhiều, sáng học
lý thuyết tới có khi 12h, 1h chiều đã phải có mặt trên lab làm thí
nghiệm chưa kể exam thực hành liên tục, ít nhất 2 lần/môn. Bởi thế
khóa tôi học đã có một số bạn học quá tải nên có biểu hiện của
bệnh tâm thần và được nhà trường cho phép tạm nghỉ học, có trường
hợp không thể tiếp tục được nữa đành bỏ dở học hành hoặc chuyển
xuống học trung cấp. Thực trạng ấy không chỉ tới khóa học của tôi
mới xuất hiện mà nó được coi như ‘’truyền thống’’ khá lâu đời của
trường Dược Hà Nội. Thấm thoắt đã tới học kỳ 2 của năm thứ 5. Chà!
lúc này mới thấy thoải mái về chuyện học hành một chút vì khi ấy
chúng tôi chỉ còn đi thực tế và làm đề tài luận văn tốt nghiệp.
Đối với một số bạn thì đây là thời điểm chuẩn bị hành trang ra
trường và bắt đầu thăm dò thông tin về công việc tương lai của mình.
Thực ra lúc ấy ít nhất 70% sinh viên Dược năm cuối chưa có định hướng
đúng về công việc sau khi ra trường. Tôi nói không có định hướng đúng
bởi vì hỏi ai cũng thấy câu trả lời lưỡng lự và hầu như nhà trường
không cung cấp được cho sinh viên một chút thông tin nào về việc làm
ngoài việc cho phép mấy công ty Dược dán thông báo tuyển TDV. Tuy
nhiên, tại thời điểm đó, mối quan tâm của sinh viên sắp tốt nghiệp như
chúng tôi không phải là có tìm được việc hay không mà là nên làm
việc ở đâu, cho công ty, bệnh viện nào, vào làm bệnh viện hay công ty,
làm về kinh doanh hay sản xuất… Rồi ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng
đã tới, hôm ấy, một ngày hạ tuần tháng 7, trời hè oi ả, thằng nào
thằng ấy diện bộ quần áo đẹp nhất, thường là áo sơ mi trắng, quần
tây màu đen, thắt cravate và đi giày đen. Nhận tấm bằng ĐH từ tay thầy
Hiệu trưởng, thằng nào cũng cảm thấy nhẹ nhõm, một chướng ngại vật
đã được vượt qua trên đường đời khắc nghiệt.Đối với riêng tôi, niềm
vui còn trọn vẹn hơn bởi trước khi nhận bằng tốt nghiệp, tôi đã tham
gia phỏng vấn và sau “cuộc chiến cam go” với chính các bạn học của
mình, tôi đã chính thức được nhận vào làm vị trí TDV tại một văn
phòng đại diện của một hãng Dược phẩm nổi tiếng bậc nhất trên thị
trường dược phẩm Việt Nam lúc ấy. Và chỉ 3 ngày sau khi tôi nhận
được bằng tốt nghiệp, tôi đã bay vào TP HCM tham dự khóa Training dành
cho nhân viên mới của công ty. Khóa Training diễn ra liên tục trong vòng
một tháng trời tại nơi xa hoa nhất của vùng đất phương Nam. Lần đầu
tiên tôi được cảm nhận thế nào là phòng ngủ khách sạn, ăn tiệc
buffet và ngồi uống cà phê trong những tiệm cà phê sang trọng tại
quận I, cuối tuần chúng tôi lại cùng nhau ra khu vực đường Đề Thám
hay Bùi Viện mua 1 vé Day tour du lịch sông nước miền tây. Lúc ấy,
cuộc sống thực là quá sức tưởng tượng trước đây của tôi. Thiên đường
dường như đang ngự trị nơi trần gian. Trong suốt đợt Training, chúng tôi
tiếp xúc với biết bao nhiêu kiến thức mới từ medical background,
product data bao gồm cả product features and benefits, competitors cho đến
selling skills, rồi thì field work…mỗi ngày mới lại tiếp cận với kiến
thức mới, đối với một thằng sinh viên vừa tốt nghiệp chân ướt chân
ráo bắt đầu chập chững bước vào nghề TDV thì quả thực incredible.
Sau một tháng ăn nằm tại Sài Gòn, chúng tôi đã kết thúc khóa
Training, chính thức được phân chia địa bàn và bàn giao công việc. Kể
từ đây, một cuộc phiêu lưu mới đã bắt đầu.
Tôi
bắt đầu vật lộn với địa bàn hoạt động của mình. Ngày ấy thời gian
biểu làm việc của tôi là: 8h sáng bắt đầu lên đường xuống địa bàn
gọi là field work (bệnh viện hoặc phòng mạch), 10h vào gặp bác sĩ
hoặc dược sĩ để giới thiệu sản phẩm của hãng, 11h30-12h về nhà ăn
trưa hoặc hẹn đi ăn trưa cùng bác sĩ, 2h chiều tiếp tục đi field tại
địa bàn khác, 4h-5h lại hẹn bác sĩ đi nhậu cho tới tận khuya. Tất
nhiên ngày ấy các công ty Dược còn hỗ trợ cho nhân viên nhiều, chúng
tôi chỉ việc mời bác sĩ đi ăn để lấy quan hệ (một kiểu lobby), hóa
đơn mang về công ty thanh toán. Việc mời bác sĩ đi ăn vừa là quyền
lợi vừa là trách nhiệm của một TDV thời ấy. Thời gian đầu TDV mới
thường “chịu khó’’ đi field để làm quen và tạo mối quan hệ với những
đối tác liên quan gồm key doctors, pharmacists có khi là cả accountants,
rồi thậm chí nurses và cả những private pharmacies xung quanh bệnh viện
nữa. Lúc ấy tài sản quan trọng nhất của tôi là chiếc máy điện
thoại. Không phải chiếc máy đắt tiền mà quan trọng là những số điện
thoại của đối tác tôi lưu trong đó. Khoảng thời gian 3 tháng đầu là
lúc tôi phải làm việc cật lực thực sự để xác định được key doctors
group, rồi sau đó tạo được mối quan hệ đối tác thân thiết và bền
vững, tất nhiên là không TDV nào có khả năng tạo được mối quan hệ
tốt đẹp đối với bất cứ bác sĩ nào, do vậy việc tranh giành key
doctors là một cuộc chiến thực sự giữa TDV của các hãng có cùng
product lines (Điều này xảy ra đối với hầu hết antibiotics,
multivitamins rồi cardiovascular drugs đặc biệt là nhóm thuốc điều trị
hypertension). Việc căn thời gian khi nào bác sĩ rảnh tay để vào gặp
cũng là một thử thách cho người mới vào nghề. Tuy nhiên khi đã quen
với bác sĩ thì việc gặp gỡ với họ lại cực kỳ đơn giản, có khi là
đầu giờ làm việc tranh thủ vào tặng tờ báo, bao thuốc hay chỉ đơn
giản chào một câu ‘’ Chào anh, anh khỏe chứ?’’ thực ra đó là một
cách nhắc khéo họ nhớ tới sản phẩm của mình. Thậm chí có thể gặp
họ ngay cả khi họ đang khám bệnh hoặc hẹn một buổi tối nào đó tới
nhà chơi hoặc mời cả gia đình họ ăn tối. Nói chung nếu đã thiết lập
được mối quan hệ tốt với doctors thì hiệu quả công việc không gắn
nhiều vào field work nữa. Chính điều này đã giúp cho nhiều TDV có
thể làm việc cho 2, 3 thậm chí nhiều hơn 3 công ty cùng một lúc. Tất
nhiên đi đôi với đó là thu nhập thực của TDV rất cao, thậm chí 20-30
triệu/tháng ở thời điểm đó. Quả là mức thu nhập quá hấp dẫn. Net
salary của TDV các hãng nước ngoài thì cao nhưng real income thì có lẽ
thua TDV của các công ty TNHH bởi vì high commission. Tuy nhiên có một
điều mà ít nhất TDV các hãng có quyền tự hào là được đào tạo rất
bài bản và có cảm giác được làm việc trong một môi trường hiện
đại, chuyên nghiệp. Như vậy sau một thời gian vất vả, tôi đã thiết
lập được một key doctors group cho mình, giúp tôi hoàn thành và vượt
mức target mà công ty giao cho. Thời gian rảnh rỗi nhiều, tôi thường
xuyên phone cho bạn bè, hầu hết cũng là TDV, hẹn nhau uống cà phê, ăn
nhậu hay đơn giản chạy xe dạo phố. Mà quả đúng vậy, thời gian chủ
yếu chúng tôi giành cho các quán cà phê, quán nhậu, tối tối thường
sớm nhất cũng 9h đêm mới về nhà. Cuộc sống ban đầu cứ trôi đi trong
‘’bình yên’’ như vậy cho đến lúc tôi chợt nhận ra rằng tôi đang tự đánh
mất chính bản sắc của con người mình.
dược
sĩ làm trình dược là phí ???Trước khi quyết định làm TDV, tôi không có
nhiều sự lựa chọn về công việc, đơn giản là vì nhà tôi nghèo, mà
lúc ấy chỉ có nghề này mới có thể mang tới cho tôi ‘’nhiều’’ tiền
ngay được. Đó chính là bi kịch hay hài kịch đối với nhiều tân dược
sĩ.Những buổi uống cà phê, hát karaoke, rồi những cuộc nhậu với đối
tác dần dần trở thành quá nhàm chán vì trong đó TDV thường đóng vai
trò “kẻ dưới’’ trừ những trường hợp tạo được mối quan hệ đặc biệt
thân thiết với đối tác có thể coi nhau như anh em trong một nhà. Và
cũng đến lúc trong cuộc sống tôi không còn phải như con thiêu thân lao
vào kiếm tiền bằng mọi giá. Nhiều đêm tôi nằm thao thức nghĩ lại
quãng thời gian đã qua mình đã làm được những gì, có được như mình
expect hay chưa, chợt thấy mình đang dần dần và gần như vô hình đánh
mất chính bản thân mình, chính những gì mình đã dày công tạo nên.
Những lúc rảnh rỗi ngồi uống cà phê với bạn bè, chúng tôi đều có
chung một tâm trạng như vậy. Ngoài đồng tiền lương, chúng tôi còn lại
được những gì: những quan hệ hời hợt và bất bình đẳng với bác sĩ,
con đường sự nghiệp dậm chân tại chỗ, công việc không ổn định và có
nguy cơ chuyển công ty bất cứ lúc nào, kiến thức dày công tu luyện gom
góp bao nhiêu năm trời dần dần bị lãng quên và quan trọng là không có
dấu hiệu cho một tương lai tốt đẹp về công danh, vật chất hoặc cả
hai. Phải chăng tôi đã đi lầm đường? Không phải vậy. Tôi đã đi đúng
đường. Nhưng tôi phải dừng lại, không được bước tiếp nữa vì phía
trước đã là vực thẳm. Tôi phải rẽ sang ngả khác hoặc là tôi sẽ bị
rơi xuống vực. Và tất nhiên tôi đã chọn giải pháp thứ nhất. Và cũng
lúc ấy tôi mới nhận ra rằng tiền bạc không phải là tất cả. Tôi
quyết định làm lại từ đầu, muộn còn hơn không, đó là thứ triết lý
phương đông mà chúng ta đã thấm nhuần. Cuộc phiêu lưu thứ nhất đã kết
thúc. Nó đã giúp tôi thay đổi chính con người mình.
Kể
từ lúc ấy, cuộc đời tôi đã rẽ sang ngả khác, có thể đó là một cuộc
phiêu lưu mới và cũng có thể là cuộc phiêu lưu cuối cùng. Nhưng quan
trọng tôi đã thấy con đường phía trước mở rộng mặc dù có thể sẽ
nhiều chông gai hơn, tôi tin con đường này bởi tôi đã rút ra được nhiều
bài học thực tiễn. Và bây giờ tôi đang sát cánh cùng các bạn trong
cuộc phiêu lưu mới này.
Nhìn
lại bạn bè cùng làm TDV, một số ít đã chuyển hướng sang their own
business hoặc chuyển sang công việc khác, một số còn trụ lại với
nghề TDV, họ đã chán ngấy nghề TDV nhưng có lẽ do họ xuất phát muộn
nên giờ này không thể tách rời nghề TDV được nữa, họ đành cam chịu
bởi cơ hội đã lỡ.
Tôi
kể câu truyện trên đây không nhằm chê trách ai hay chê trách cái nghề
TDV vì ‘’nghề nào cũng cao quý’’ cả. Thực tế có một số trình dược viên
thực sự gặt hái được nhiều thành công trong công việc. Tôi chỉ muốn chia sẻ
kinh nghiệm cuộc sống với các bạn và muốn nhắn nhủ tới những dược
sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân tương lai hãy chuẩn bị kỹ cho mình hành
trang vào đời ngay sau khi tốt nghiệp, hãy xác định kỹ nghề nghiệp
tương lai bằng cách chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin, có thể
con đường các bạn đi sẽ gồm nhiều chặng đường, nhưng quan trọng các
bạn phải xác định đó là những chặng đường nào, kéo dài bao lâu và
đã là chặng cuối hay chưa. Tương lai của các bạn có tốt đẹp hay không
hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh của các bạn.
EmoticonEmoticon